Di tích lịch sử văn hóa

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐÌNH NGỌC THẠNH

         Ở làng quê Việt Nam, ngôi đình hay mái đình luôn là hình ảnh gần gũi, ghi sâu vào ký ức của bất cứ một người dân nào. Ngôi đình là nơi thờ phụng các vị Thành hoàng bản xứ, những vị có công với làng, với nước. Ngoài ra, đình làng còn đóng vai trò như một nơi sinh hoạt làng xã, là nơi xử kiện, hòa giải, phạt vạ và diễn ra các hoạt động văn hóa của dân làng. Đình Ngọc Thạnh thuộc xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cũng mang những giá trị như những ngôi đình ở làng quê Việt Nam.

         Đình Ngọc Thạnh  được xây dựng với chức năng thờ Thành hoàng và là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức lễ hội của làng hàng năm. Bên cạnh đó, Đình Ngọc Thạnh còn thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần Hưng Đạo) – một vị anh hùng dân tộc, một tướng lĩnh kiệt xuất, là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, là trung tâm khối đại đoàn kết dân tộc thời Trần. Việc tôn thờ Đức Thành Trần chính là điều đặc biệt, tiêu biểu của Đình Ngọc Thạnh, khác với những Đình làng khác ở Bình Định. Tại Đình hiện nay đang lưu giữ bản sao sắc phong vua Tự Đức phong tặng hiệu cho ông: “Vỹ thượng thượng thượng đẳng thần” vào ngày 20 tháng 12 năm Tự Đức thứ 3, được dân làng rước về từ Đền Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, quê hương của ông.

         Di tích Đền Ngọc Thạnh thuộc thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Di tích cách ngã ba Diêu Trì – quốc lộ 19C về phía tây bắc khoảng 1,6 km, nằm ở tọa độ 13048 22,4’’ vĩ bắc và 1090818,9’’ kinh đông, cách trung tâm huyện lỵ Tuy Phước khoảng 6 km về phía tây, cách thành phố Qui Nhơn khoảng 14 km về phía tây bắc.

         Đình Ngọc Thạnh được xây dựng trên một thửa đất cao ráo, diện tích 932,7 m2, nằm ở phía đông của làng. Đình có sự quy tụ từ nhiều cánh họ như: Phạm, Nguyễn, Đinh, Trần, Đoàn, Hồ, Phan, Lê, Võ,… ở các miễu Ngọc Sơn, Ngọc Thạnh, Khánh Vân, Lệ Vân chung tay xây dựng. Lúc đầu ngôi đình được xây dựng bằng mái tranh, vách đất với mục đích thờ Thành hoàng làng, sau đó nhân dân ở đây rước sắc phong Thần Trần Hưng Đạo từ quê hương Nam Định về thờ ở đình.

         Để trông coi “Sắc thần”, nhân dân có cử người trông coi gọi là “Phụng sắc”. Sau này, nhân dân trong làng đóng góp xây dựng lại đình bằng cây, cột kèo gỗ núi, vách xây gạch, mái lợp ngói. Khoảng đầu năm 1941, Đình Ngọc Thạnh lại được nâng cấp, trùng tu và xây dựng bằng gạch, vôi vữa, mái đình lợp ngói Đông Dương. Cấu trúc đình quay về hướng tây, trước đình có hai trụ biểu cao lộng lẫy với lối kiến trúc cũ (trụ đình hình bát giác, trang trí rồng quấn quanh cột được ốp bằng mảnh sứ).

         Dưới thời Mỹ - Ngụy 1969-1970, dân làng đóng góp xây thêm một ngôi nhà quay mặt về hướng nam, làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Ngôi nhà vẫn tồn tại đến ngày nay. Nơi đây được sử dụng làm nơi hội họp, sinh hoạt của nhân dân, tổ chức lớp học bình dân, học vụ, là nơi thu nộp thóc đảm phụ nuôi quân, đảm phụ kháng chiến, nơi tiếp nhận vũ khí và chiến lợi phẩm thu được của tàn quân địch rã ngũ sau năm 1975 để bàn giao cho huyện và tỉnh.

         Đình Ngọc Thạnh còn là nơi Tòa án cách mạng đã từng tổ chức xét xử, giáo dục tề ngụy và tổ chức cho nhân dân học học tập các chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

         Sau ngày quê hương giải phóng 1975, chính quyền cách mạng sử dụng nơi đây làm trụ sở Ban nhân dân cách mạng thôn Ngọc Thạnh. Ngoài ra, Đình Ngọc Thạnh  còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như hát tuồng, bài chòi, văn nghệ, trò chơi dân gian,….(hát tuồng thường tổ chức một năm một lần vào dịp “Tế xuân” hoặc vào dịp ngày 20 tháng 8 âm lịch – ngày húy kỵ Đức Thánh Trần; hô bài chòi  cổ dân gian được tổ chức vào dịp tết cổ truyền của dân tộc.

         Trải qua bao thăng trầm lịch sử, công trình hiện nay đã xuống cấp. UBND xã đã trình UBND xin chủ trương đầu tư, sửa chữa và UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1321/QĐ-UBND ngày 07/4/2022 về chủ trương đầu tư dự án: Sữa chữa Đình Ngọc Thạnh. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 1540/QĐ-UBND ngày 16/5/2022 về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp tiếp tục tăng cường công tác quản lý, tu bổ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, phục vụ tốt hơn cho người dân khi đến thăm.

(trích Hồ sơ: Di tích lịch sử - văn hóa Đình Ngọc Thạnh năm 2022)

Ngày đăng: 02/12/2023 - 14:47

LIÊN KẾT

LƯỢT TRUY CẬP

 Đang truy cập: 44

 Hôm nay: 13111

 Tháng này: 12872

 Tổng cộng: 429231

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ PHƯỚC AN

Địa chỉ: Thôn An Sơn 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước - tỉnh Bình Định.
Điện thoại, Fax: (0256) 3777160 - Email: phuocan@tuyphuoc.binhdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã